Mãn kinh là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Vậy phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt? Thực tế, độ tuổi mãn kinh trung bình rơi vào khoảng 45-55 tuổi, nhưng tùy thuộc vào lối sống, yếu tố di truyền và sức khỏe nội tiết mà sẽ có thời gian mãn kinh khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em có cái nhìn rõ nét hơn về độ tuổi mãn kinh, dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này.
Phụ nữ bao nhiêu tuổi thì hết kinh nguyệt?
Thông thường, phụ nữ sẽ “chính thức” hết kinh nguyệt khi bước sang giai đoạn mãn kinh. Trong đó, độ tuổi mãn kinh rơi vào khoảng 45 – 55 tuổi, tùy thuộc vào cơ địa và lối sống, chế độ sinh hoạt của mỗi người, cụ thể:
- Độ tuổi trung bình nữ giới khi mãn kinh: Hầu hết phụ nữ sẽ hết kinh nguyệt hoàn toàn ở độ tuổi từ 50 – 52. Đây là thời điểm buồng trứng chính thức ngừng hoạt động, không còn hiện tượng rụng trứng và sản xuất hormon sinh dục nữ estrogen.
- Mãn kinh sớm: Nếu hiện tượng “hết kinh” diễn ra trước độ tuổi 40 thì được gọi là mãn kinh sớm. Nguyên nhân của hiện tượng mãn kinh sớm có thể do yếu tố di truyền, bệnh lý, rối loạn nội tiết tố hay tác động từ môi trường sống.
- Mãn kinh muộn: Một số trường hợp, phụ nữ vẫn có kinh nguyệt dù sau 55 tuổi. Điều này có thể liên quan tới yếu tố cơ địa, chế độ dinh dưỡng hay chịu sự tác động của hormon trong cơ thể.
Mãn kinh thường không diễn ra đột ngột mà kéo dài trong vài năm với những dấu hiệu “bất thường” trong chu kỳ kinh nguyệt (giai đoạn tiền mãn kinh).
Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt
Trước khi chị em phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh thường sẽ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài từ 2 – 5 năm. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ có ít nhiều thay đổi do sự suy giảm hormon nội tiết tố nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt có thể đến sớm hoặc muộn hơn so với bình thường.
- Lượng máu kinh ra không đều, một số chu kỳ kinh có lượng máu rất ít (thiểu kinh) trong khi số khác lại có hiện tượng chảy máu nhiều (đa kinh).
- Khoảng cách giữa các kỳ kinh có thể giãn ra vài tháng (kinh thưa) hoặc gần nhau, có thể 1 tháng có nhiều hơn 1 lần hành kinh (kinh mau).
Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm
- Cảm giác nóng bừng đột ngột, đặc biệt là vào ban đêm.
- Đổ mồ hôi nhiều, dễ gây mất ngủ và khiến cơ thể bị mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Rối loạn giấc ngủ và tâm trạng
- Mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc hay thường xuyên thức giấc giữa đêm.
- Dễ cáu gắt, căng thẳng, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm nhẹ.
Giảm ham muốn tình dục
- Suy giảm nồng độ hormon estrogen khiến âm đạo bị khô hạn, dễ đau rát khi quan hệ.
- Giảm cảm giác hứng thú trong đời sống vợ chồng.
Lão hóa da và tóc
- Da mất đi độ đàn hồi tự nhiên, dễ xuất hiện nếp nhăn.
- Tóc khô, dễ gãy rụng và nhanh bạc hơn.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu này kéo dài, rất có thể nữ giới đang trong giai đoạn tiền mãn kinh và chuẩn bị bước vào thời kỳ mãn kinh.
Những yếu tố tác động ảnh hưởng đến độ tuổi “hết kinh”
Không phải phụ nữ nào cũng mãn kinh hay hết kinh ở cùng một độ tuổi. Có nhiều yếu tố tác động đến thời điểm mãn kinh, bao gồm yếu tố di truyền, tình trạng sức khỏe tổng thể và lối sống, thói quen sinh hoạt.
Di truyền từ gia đình
- Nữ giới có mẹ hoặc bà bị mãn kinh sớm hoặc muộn thì có thể có xu hướng gặp tình trạng tương tự. Độ tuổi mãn kinh có thể được “thừa kế” qua nhiều thế hệ.
Sức khỏe tổng thể và bệnh lý liên quan
- Rối loạn nội tiết tố, bệnh lý liên quan tới tuyến giáp hoặc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể tác động làm thay đổi thời điểm mãn kinh.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng khiến nữ giới mãn kinh sớm do cơ thể không còn sản xuất hormon sinh dục nữ estrogen một cách tự nhiên.
Thói quen sinh hoạt hàng ngày
- Hút thuốc lá gây suy giảm nồng độ hormon estrogen, khiến phụ nữ mãn kinh sớm hơn 1 – 2 năm so với bình thường.
- Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, thiếu vitamin D, canxi và omega-3 có thể ảnh hưởng tới sức khỏe buồng trứng.
- Tình trạng stress, căng thẳng kéo dài tác động đến hoạt động của tuyến yên và tuyến thượng thận, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Hết kinh nguyệt có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Mãn kinh không chỉ ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt mà còn tác động nhiều mặt đến sức khoẻ tổng thể như:
- Loãng xương: Suy giảm hormon estrogen khiến mật độ xương giảm, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
- Bệnh tim mạch: Estrogen giúp bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch, khi nồng độ giảm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý cao huyết áp, xơ vữa động mạch và đột quỵ.
- Tăng cân và tích mỡ vùng bụng: Chuyển hóa chậm lại khiến phụ nữ dễ tăng cân hơn.
- Da và tóc lão hóa nhanh hơn: Giảm collagen khiến làn da bị nhăn nheo, tóc khô xơ và dễ gãy rụng.
Vì vậy, chị em phụ nữ cần có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp để hạn chế tác động tiêu cực của giai đoạn mãn kinh.
Cách chăm sóc sức khỏe khi bước vào thời kỳ mãn kinh
Duy trì một lối sống khoa học, lành mạnh giúp chị em phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh một cách nhẹ nhàng và khỏe mạnh hơn.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D có trong sữa, cá hồi, rau xanh để tăng tác dụng bảo vệ sức khỏe xương khớp.
- Bổ sung các thực phẩm chứa omega-3, vitamin B6 như cá béo, quả óc chó giúp cân bằng hormon.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê vì các chất kích thích có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng mãn kinh.
Duy trì thói quen vận động
- Một số bài tập như đi bộ, yoga, bơi lội giúp cải thiện tuần hoàn lưu thông máu, hỗ trợ giúp giảm stress và ngủ ngon hơn.
- Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát cân nặng và tăng cường sức mạnh cơ xương khớp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Khám phụ khoa định kỳ và thực hiện các chẩn đoán xét nghiệm nội tiết tố để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Phụ nữ thường hết kinh nguyệt trong khoảng 45 – 55 tuổi, nhưng có người mãn kinh sớm trước 40 hoặc muộn sau 50. Hiểu rõ về thời điểm mãn kinh giúp chị em chuẩn bị tốt hơn về sức khỏe và tinh thần. Duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp quá trình này diễn ra nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng đến cuộc sống.