Mất cân bằng nội tiết tố nữ là tình trạng rối loạn hoặc suy giảm hormone estrogen và progesterone trong cơ thể. Tình trạng này gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe như rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, tăng cân và lão hóa sớm. Cùng tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, dấu hiệu và cách cân bằng nội tiết tố nữ giúp chị em duy trì sức khỏe ổn định, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Mất cân bằng nội tiết tố là gì?
Mất cân bằng nội tiết xảy ra khi nồng độ hormon không ổn định dẫn tới tình trạng dư thừa hay thiếu hụt một số hormon quan trọng. Hormon do tuyến nội tiết sản xuất, tiết vào máu giúp điều tiết hoạt động, chức năng sống như quá trình chuyển hoá, sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.
Ở nữ giới, tình trạng mất cân bằng nội tiết tố thường liên quan tới hai hormon estrogen và progesterone, còn nam giới dễ gặp vấn đề với hormon testosterone. Dù là nam giới hay nữ giới, rối loạn nội tiết đều có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ nếu không khắc phục kịp thời.
Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố
Mất cân bằng nội tiết tố có thể xuất phát từ nguyên nhân do rối loạn hoạt động của tuyến nội tiết hoặc do tác động từ các tác nhân bên ngoài.
- Căng thẳng kéo dài: Stress, căng thẳng kéo dài làm tăng hormon cortisol, gây ảnh hưởng tới các hormon khác, mất cân bằng hormon trong cơ thể.
- Bệnh lý tuyến giáp: Suy giáp hoặc cường giáp đều có thể là căn nguyên gây mất cân bằng hormon.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ hormon estrogen và progesterone.
- Tiểu đường: Đặc biệt là tiểu đường type 1 và type 2 làm thay đổi mức insulin trong cơ thể.
- Thừa cân hoặc suy dinh dưỡng: Chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu dưỡng chất gây rối loạn quá trình sản xuất hormon trong cơ thể.
- Sử dụng thuốc nội tiết hoặc tránh thai: Lạm dụng thuốc nội tiết hay thuốc tránh thai có thể gây xáo trộn hệ thống nội tiết.
- Tiếp xúc hóa chất độc hại: Các chất gây rối loạn nội tiết có thể tìm thấy trong thực phẩm, mỹ phẩm và môi trường.
Xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố sẽ giúp nữ giới lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố nữ
Mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tổng thể và chất lượng đời sống của chị em phụ nữ. Dưới đây là 12 dấu hiệu phổ biến giúp nữ giới kịp thời phát hiện và điều chỉnh để nâng cao sức khoẻ tổng thể.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Thông thường, chu kỳ kinh kéo dài từ 21-35 ngày, tuy nhiên nếu độ dài chu kỳ kinh thay đổi liên tục hay mất kinh trong nhiều tháng liên tiếp. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng rối loạn hormon, đặc biệt là hormon estrogen và progesterone.
Ở độ tuổi 40-50, rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu tiền mãn kinh. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra sớm hơn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hay các vấn đề liên quan đến chức năng tuyến giáp.
Rối loạn giấc ngủ
Khó ngủ hay ngủ không sâu giấc có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng rối loạn nội tiết tố. Hormone progesterone được tiết ra từ buồng trứng có tác dụng thư giãn cơ thể, giúp nữ giới dễ ngủ hơn, ngủ sâu giấc hơn. Khi nồng độ hormon suy giảm sẽ khó đi vào giấc ngủ hay dễ tỉnh giấc giữa đêm. Nồng độ hormon Estrogen thấp còn có thể gây ra các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm gây gián đoạn giấc ngủ.
Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài mà không rõ căn nguyên, chị em nên đi kiểm tra nội tiết tố để tìm ra giải pháp điều trị kịp thời.
Mụn trứng cá dai dẳng
Nếu nữ giới bị mụn trứng cá nặng, đặc biệt là mụn ở vùng cằm, hàm, cổ và mụn tái phát liên tục ngay cả khi ngoài kỳ kinh, rất có thể nữ giới đang gặp tình trạng mất cân bằng nội tiết. Androgen là một loại hormon sinh dục nam có trong cơ thể nữ giới, hormon này tăng cao kích thích tuyến bã nhờn tăng cường hoạt động, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn.
Khó tập trung, suy giảm trí nhớ
Estrogen đóng vai trò quan trọng giúp điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh, duy trì trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung. Khi nồng độ hormon estrogen suy giảm, nữ giới có thể gặp một số vấn đề như: hay quên, khó tập trung hoặc cảm thấy đầu óc mơ hồ, thiếu minh mẫn.
Tình trạng suy giảm trí nhớ cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý nội tiết khác như suy giáp hoặc rối loạn tuyến thượng thận.
Rối loạn tiêu hóa
Niêm mạc ruột có các thụ thể cảm nhận hormon estrogen và progesterone nên khi hai hormon này mất cân bằng, nữ giới có thể gặp phải các vấn đề như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hay táo bón. Những triệu chứng này có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân
Cảm giác mệt mỏi kéo dài dù đã nghỉ ngơi đầy đủ có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn nội tiết tố. Nồng độ hormon Progesterone tăng cao có thể khiến nữ giới luôn trong trạng thái buồn ngủ và thiếu năng lượng. Ngược lại, nếu tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, lượng hormon tuyến giáp suy giảm làm giảm tốc độ trao đổi chất, khiến cơ thể uể oải, suy nhược.
Trong trường hợp mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, nữ giới nên làm xét nghiệm thanh phần tuyến giáp (thyroid panel) để kiểm tra chính xác nguyên nhân gây mệt mỏi.
Tâm trạng thất thường, dễ trầm cảm
Nội tiết tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ tâm sinh lý của chị em phụ nữ. Nồng độ hormon Estrogen có tác động trực tiếp đến hormon gia tăng cảm giác hạnh phúc serotonin. Khi nồng độ hormon estrogen giảm, mức serotonin cũng giảm theo, khiến nữ giới dễ cáu kỉnh, lo âu hoặc thậm chí là rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ.
Thèm ăn và tăng cân nhanh
Mất cân bằng hormone có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt và tinh bột. Estrogen thấp có thể khiến não bộ phát tín hiệu kích thích gia tăng cảm giác đói, khiến ăn nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, mất cân bằng hormon còn làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể dễ tích tụ mỡ, đặc biệt là mỡ ở vùng bụng, đùi, hông.
Đau đầu mãn tính
Đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu, có thể liên quan trực tiếp đến tình trạng rối loạn nội tiết tố. Nồng độ hormon Estrogen thấp dễ gây giãn nở mạch máu trong não, gây ra các cơn đau đầu dữ dội, thường xuất hiện theo chu kỳ hoặc vào thời điểm trước chu kỳ kinh.
Khô âm đạo
Khô âm đạo là dấu hiệu điển hình của tình trạng suy giảm hormon estrogen. Estrogen giúp duy trì độ ẩm và tăng cường độ đàn hồi của mô âm đạo. Khi hormon suy giảm, thành âm đạo trở nên mỏng và khô rát, khiến “cô bé” trở nên đau đớn và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
Giảm ham muốn tình dục
Suy giảm nội tiết tố có thể làm giảm nhu cầu ham muốn và hứng thú tình dục. Testosterone là hormon tác động trực tiếp đến ham muốn tình dục của nữ giới. Khi nồng độ testosterone suy giảm, nữ giới có xu hướng trở nên lãnh cảm, ít có hứng thú với chuyện chăn gối và khó đạt khoái cảm hơn bình thường.
Thay đổi bất thường ở mô vú
Nội tiết tố mất cân bằng có thể làm thay đổi cấu trúc mô vú. Estrogen thấp làm mô vú mềm và ít dày đặc hơn, trong khi hormon estrogen cao có thể khiến mô vú sưng đau hoặc hình thành các u nang. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở vùng ngực như đau, sưng, hoặc xuất hiện khối u, chị em nên chủ động đi khám sớm để được kiểm tra và tầm soát ung thư.
Cách cân bằng nội tiết tố nữ
Mất cân bằng nội tiết tố nữ là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe như rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, tăng cân mất kiểm soát và lão hóa sớm.
Duy trì cân nặng hợp lý
Cân nặng ảnh hưởng trực tiếp đến sự cân bằng nội tiết tố. Thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể gây ra rối loạn nội tiết, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản và các chức năng trao đổi chất. Vì vậy, bạn nên:
- Theo dõi chỉ số BMI và vòng eo thường xuyên.
- Thực hiện chế độ ăn cân bằng giữa protein, chất béo lành mạnh và carbohydrate.
- Tránh giảm cân quá nhanh hoặc tăng cân mất kiểm soát.
Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nội tiết tố. Một chế độ ăn uống hợp lý giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và giảm viêm – hai yếu tố ảnh hưởng đến hệ nội tiết. Hãy chú ý:
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế đường, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có cồn.
- Bổ sung chất béo lành mạnh từ cá hồi, bơ, dầu ô liu, hạt chia để hỗ trợ tổng hợp hormone.
Tập thể dục thường xuyên
Vận động giúp cải thiện sự nhạy cảm với insulin, hỗ trợ tuyến thượng thận, cân bằng estrogen và testosterone. Một số hình thức tập luyện tốt cho hệ nội tiết bao gồm:
- Yoga và thiền giúp giảm stress, cải thiện chức năng tuyến giáp.
- Cardio (đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội) hỗ trợ tim mạch và duy trì cân nặng.
- Tập tạ giúp tăng cường trao đổi chất và ổn định hormone sinh dục.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nồng độ cortisol – một loại hormone gây mất cân bằng nội tiết và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Bạn có thể giảm căng thẳng bằng cách:
- Hít thở sâu, thực hành mindfulness.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
- Tham gia các hoạt động giúp thư giãn tinh thần như đọc sách, vẽ tranh, nghe nhạc.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ chất lượng là yếu tố quan trọng giúp cơ thể sản sinh và điều hòa hormone. Khi ngủ không đủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, tuyến yên và tuyến giáp có thể hoạt động kém hiệu quả. Để ngủ ngon hơn, bạn nên:
- Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Duy trì thời gian ngủ – thức cố định mỗi ngày.
Kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính
Các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết. Việc kiểm soát tốt các bệnh này sẽ giúp hạn chế các rối loạn nội tiết tố. Hãy:
- Thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ.
- Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Kết hợp chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Mất cân bằng nội tiết tố có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy lắng nghe cơ thể, chú ý các dấu hiệu bất thường và chủ động thăm khám để luôn giữ gìn sức khỏe toàn diện và chất lượng cuộc sống tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22673-hormonal-imbalance
- https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-hormone-imbalance
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/321486