Chu kỳ kinh nguyệt 35-40 ngày có bình thường không? Đây là thắc mắc của nhiều chị em khi nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn so với chu kỳ chuẩn (28-30 ngày). Trên thực tế, mỗi phụ nữ có cơ địa khác nhau, dẫn đến sự khác biệt trong thời gian hành kinh. Vậy nguyên nhân nào khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài? Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua nội dung bài viết dưới đây!
Chu kỳ kinh nguyệt 35 40 ngày có bình thường không?
Để xác định chu kỳ kinh kéo dài 35-40 ngày có bình thường hay không cần căn cứ dựa trên hai yếu tố: độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Ở nữ giới mới dậy thì
- Khi bước vào độ tuổi dậy thì, hệ thống nội tiết trong cơ thể chưa ổn định, khiến chu kỳ kinh có thể dao động từ 21 đến 45 ngày.
- Trong năm đầu tiên có kinh, nhiều bạn gái chỉ có khoảng 4-6 chu kỳ trong một năm và thời gian giữa các kỳ kinh có thể kéo dài. Điều này là hoàn toàn bình thường nếu không đi kèm những dấu hiệu bất thường như đau bụng kinh dữ dội, máu kinh có màu lạ hay lượng kinh quá ít/quá nhiều.
Ở phụ nữ trưởng thành
- Đối với nữ giới độ tuổi trưởng thành, một chu kỳ kinh kéo dài 35-40 ngày không phải lúc nào cũng là hiện tượng bất thường. Nếu chu kỳ kinh đều đặn 35-40 ngày/tháng mà không đi kèm những triệu chứng bất thường thì không cần quá lo lắng. Đây có thể là “phản ứng” của cơ thể trước sự thay đổi môi trường hay do thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống
- Ngược lại, nếu trước đây chu kỳ của đều đặn 28-30 ngày mà đột nhiên kéo dài thành 35-40 ngày, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn nội tiết hay cảnh báo nguy cơ bệnh lý liên quan tới sức khỏe sinh sản.
Nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 35-40 ngày
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ kinh kéo dài hơn so với bình thường, từ yếu tố sinh lý cho đến nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý
- Căng thẳng, lo âu kéo dài: Stress tác động tới vùng dưới đồi – kiểm soát hormon sinh sản, làm chậm quá trình rụng trứng và kéo dài chu kỳ kinh.
- Tập luyện quá mức: Các vận động viên hay người thường xuyên tập luyện với cường độ cao thường có chu kỳ kinh thưa hơn do cơ thể có tình trạng rối loạn, mất cân bằng hormon.
- Thay đổi cân nặng đột ngột: Tình trạng tăng hoặc giảm cân đột ngột có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormon sinh dục estrogen và progesterone, làm chu kỳ kinh bị kéo dài.
- Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết: Nữ giới thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai, que cấy tránh thai hoặc vòng tránh thai nội tiết có thể gây rối loạn chu kỳ kinh, khiến chu kỳ kéo dài hơn so với bình thường
- Giai đoạn tiền mãn kinh: Phụ nữ ngoài độ tuổi 40 bị rối loạn nội tiết tố, suy giảm hormon estrogen có thể ảnh hưởng tới quá trình rụng trứng.
Nguyên nhân bệnh lý
Nếu chu kỳ kinh nguyệt 35 40 ngày kèm theo những dấu hiệu bất thường như đau bụng kinh dữ dội, máu kinh có màu lạ hay xuất huyết giữa các kỳ kinh rất có thể nữ giới đang gặp phải một số vấn đề như:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Rối loạn nội tiết tố gây tình trạng rối loạn rụng trứng, làm chu kỳ kéo dài hay thậm chí có thể dẫn tới vô kinh.
- Rối loạn tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả (suy giáp) có thể gây rối loạn, chậm kinh.
- U nang buồng trứng: Các khối u lành tính có thể gây mất cân bằng hormon sinh dục và khiến chu kỳ bị rối loạn.
- Lạc nội mạc tử cung: Khi mô nội mạc tử cung phát triển ở vị trí bất thường, chu kỳ có thể bị kéo dài, kèm theo tình trạng đau bụng kinh dữ dội.
- Polyp tử cung hoặc u xơ tử cung: Sự phát triển bất thường của mô trong tử cung có thể khiến chu kỳ kéo dài và gây hiện máu máu kinh chảy nhiều hơn.
Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện dấu hiệu bất thường
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt giúp chị em nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường. Cụ thể, cần theo dõi một số thông tin như:
- Ngày bắt đầu và kết thúc kỳ kinh: Giúp xác định chu kỳ kinh giữa các tháng có đều hay không.
- Lượng máu kinh: Nếu máu kinh ra quá ít hay quá nhiều so với bình thường, có thể đây là dấu hiệu rối loạn nội tiết hoặc bệnh lý.
- Màu sắc và tính chất kinh nguyệt: Máu kinh có màu đỏ sẫm là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng nếu có màu nâu đen, lẫn cục máu lớn hay có mùi hôi khó chịu chị em nên tiến hành thăm khám sớm.
- Các triệu chứng kèm theo: Đau bụng kinh dữ dội, cơ thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài, buồn nôn, chóng mặt.
Quá trình rụng trứng diễn ra như nào?
Rụng trứng là quá trình trứng trưởng thành được giải phóng từ buồng trứng và di chuyển vào ống dẫn trứng.
Quá trình rụng trứng diễn ra như nào?
- Khi chu kỳ kinh bắt đầu, một nang trứng trong buồng trứng sẽ phát triển. Đến thời điểm thích hợp, trứng sẽ được “phóng thích” từ buồng trứng. Sau khi trứng rụng chỉ có thể tồn tại trong vòng 24 giờ nếu trứng không được thụ tinh.
Điều kiện để xảy ra sự thụ thai
- Quá trình thụ thai diễn ra khi tinh trùng gặp được trứng và thụ tinh thành công. Tinh trùng có thể sống trong ống dẫn trứng trong khoảng 3-7 ngày sau khi quan hệ tình dục, tạo khoảng thời gian “cửa sổ thụ thai” kéo dài.
- Đôi khi, buồng trứng có thể phóng thích nhiều hơn một trứng, giúp làm tăng khả năng mang song thai hay đa thai nếu cả hai trứng đều được thụ tinh.
Ảnh hưởng của các biện pháp tránh thai
- Quá trình rụng trứng là điều kiện tiên quyết để quá trình mang thai diễn ra. Áp dụng các biện pháp tránh thai như thuốc tiêm, miếng dán tránh thai hay thuốc tránh thai hàng ngày có thể ngăn chặn quá trình trứng rụng vì vậy giảm khả năng thụ thai.
- Ở nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt 35-45 ngày hoặc thậm chí kéo dài hơn, thời gian rụng trứng có thể không ổn định, khiến thời điểm dễ thụ thai trở nên khó xác định hơn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu chị em phụ nữ gặp một trong các dấu hiệu sau cần đi khám sớm để được tư vấn hỗ trợ và điều trị kịp thời:
- Chu kỳ kinh kéo dài trên 40 ngày và diễn ra liên tục trong nhiều tháng.
- Đau bụng kinh dữ dội, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
- Máu kinh có màu sắc bất thường, hiện tượng ra máu quá nhiều hay thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày
- Xuất huyết âm đạo giữa kỳ hoặc sau khi quan hệ tình dục.
- Kinh nguyệt không đều đi kèm tăng cân mất kiểm soát, mọc nhiều lông trên mặt và cơ thể (dấu hiệu của PCOS).
Cách cải thiện và điều hòa chu kỳ kinh
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học lành mạnh: Bổ sung các thực phẩm giàu sắt, vitamin B6, omega-3 và hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
- Giữ cân nặng ổn định: Kiểm soát cân nặng, tránh giảm cân hoặc tăng cân đột ngột có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormon sinh sản.
- Tập thể dục điều độ: Chế độ tập luyện khoa học, điều độ giúp cân bằng nội tiết tuy nhiên không nên tập luyện quá sức.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế stress, căng thẳng: Giấc ngủ và tâm lý ổn định giúp hormon hoạt động tốt hơn.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Rượu, bia, cà phê có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Khám phụ khoa định kỳ: Định kỳ thăm khám phụ khoa 6 tháng/lần giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản.
Chu kỳ kinh nguyệt 35 40 ngày không phải lúc nào cũng bất thường. Tuy nhiên nếu đi kèm các triệu chứng rối loạn, chị em nên tiến hành thăm khám sớm.